Logo XÂY DỰNG NGUYỄN HOÀNG
logo
logo
Vietnamese English
HOTLINE
02513.834.447

Đồng Nai là một trong gần 20 tỉnh, thành phố của cả nước đang tiến hành thực hiện đề án Thành phố thông minh. Các lĩnh vực trọng yếu là: giao thông, y tế, giáo dục được chọn làm thí điểm trước, sau đó sẽ thực hiện rộng rãi ở những lĩnh vực khác.


Một hệ thống camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân

Xây dựng thành phố thông minh thực chất là ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đô thị, trong đó chú trọng về quản lý nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững. Đồng Nai chọn 3 lĩnh vực giao thông, y tế và giáo dục vì đây là những ngành người dân trên địa bàn đang quan tâm nhất.

* Giao thông, y tế, giáo dục làm trước

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (Hà Nội) để hoàn tất đề án Thành phố thông minh. Sở Giao thông - vận tải, Sở Y tế, Sở GD-ĐT được chọn làm thí điểm trước, sau đó sẽ kết nối rộng rãi ở các ngành khác như: tài nguyên - môi trường, xây dựng, tài chính, tư pháp...

Trên lĩnh vực giao thông, Đồng Nai đã có sẵn các chốt đèn tín hiệu, hệ thống chiếu sáng khá hiện đại nên việc ráp nối với đô thị thông minh sẽ nhanh hơn. Ngành giao thông đang triển khai lắp đặt thêm các biển chỉ dẫn, biển báo,  camera và dự kiến xây dựng một trung tâm điều khiển để kết nối tất cả các dữ liệu lại từ đó có thể theo dõi, điều khiển từ xa.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết: “Bước đầu tham gia vào đề án Thành phố thông minh, ngành giao thông sẽ làm trước ở các hệ thống chiếu sáng, chốt đèn tín hiệu, biển báo, vì đã có sẵn hạ tầng công nghệ đồng bộ. Sau đó, ngành sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ để thực hiện tiếp các lĩnh vực khác, giúp cho hệ thống giao thông được quản lý điều hành phù hợp hơn”.

Tuy nhiên, muốn xây dựng được đô thị thông minh thì hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất, bởi hạ tầng quá lạc hậu sẽ khó ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông suốt để điều hành.


Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng giám sát đề án Trường học thông minh tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Về giáo dục, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn trường học mầm non, phổ thông. Thực hiện giáo dục thông minh sẽ đem lại thuận lợi lớn cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và người dân. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn xây dựng các trường học tiên tiến, hiện đại, đồng thời UBND tỉnh cũng đã đầu tư gần 500 tỷ đồng để triển khai đề án Trường học thông minh ở 26 trường học.

Theo bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, vừa qua tỉnh đã cung cấp các thông tin về các ứng dụng công nghệ trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh cho công ty tư vấn để hoàn thiện đề án Thành phố thông minh. Giáo dục của Đồng Nai có thuận lợi là đang thực hiện thí điểm 26 trường học thông minh, đang ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học. Việc này sẽ giảm được chi phí, rút ngắn thời gian khi ráp nối và vận hành thành phố thông minh.

Y tế là ngành khá tự tin khi tham gia vào thành phố thông minh vì đang ứng dụng và phát triển y tế thông minh. Hiện Đồng Nai đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện eHospital, đang triển khai kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử, mạng y tế cộng đồng, ứng dụng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm...


Sơ đồ minh họa kết nối thành phố thông minh (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét: “Y tế là ngành có hạ tầng công nghệ hiện đại nhất trong những sở được chọn tham gia điểm đề án Thành phố thông minh. Từ những năm trước, ngành này đã đặt mục tiêu và có sự đầu tư để hướng đến y tế thông minh, vì thế việc kết nối vào thành phố thông minh sẽ nhanh và ít gặp trở ngại”.

* Mục đích là nâng chất lượng sống

Tuy chưa chính thức tham gia vào đề án Thành phố thông minh, nhưng các sở, ngành khác trong tỉnh vẫn đang ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động như giải quyết các hồ sơ, thủ tục qua mạng. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu một số thông tin lĩnh vực đất đai, quy hoạch, kê khai hồ sơ điện tử, đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng...

Đơn cử như về môi trường, trên địa bàn tỉnh đã lắp trạm quan trắc tự động tại các khu công nghiệp và một số doanh nghiệp có lượng thải lớn để truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường. Do đó, khi nước thải sau xử lý chưa đạt chuẩn, sở có thể biết để có biện pháp cảnh báo và ngăn chặn.

Trên lĩnh vực đất đai, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về việc cập nhật, thông tin quy hoạch từng thửa đất trên địa bàn tỉnh và công khai rộng rãi. Người dân có nhu cầu chỉ cần truy cập vào chương trình DNAI.LIS chọn địa điểm, gõ số tờ, số thửa là có thể biết được diện tích thửa đất, loại đất, quy hoạch...


Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là nơi ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại

Ở những ngành khác như: kế hoạch - đầu tư, lao động - thương binh và xã hội, ngân hàng, hải quan, thuế... cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ với mục tiêu triển khai các hoạt động của ngành hiệu quả hơn và nâng cao khả năng phục vụ. Những ứng dụng trên sẽ là tiền đề cho việc kết nối với thành phố thông minh, mục tiêu là lấy con người làm trung tâm, ứng dụng các công nghệ mới vào trong các lĩnh vực giúp nâng cao đời sống của người dân ở các khu đô thị, đồng thời giúp cơ quan quản lý nắm bắt, điều hành mọi việc kịp thời, giảm được những thiệt hại, tổn thất do khách quan, chủ quan.

Ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho hay: “Xây dựng đô thị thông minh là điều mà tất cả các tỉnh, thành hướng đến. Vì mục tiêu là ứng dụng các công nghệ thông tin tiên tiến nhất để phục vụ cuộc sống cho người dân đô thị được tốt hơn”.

Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới đều hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Trong khu vực ASEAN, Singapore là nơi được đánh giá là đô thị hiện đại nhất. Đây là một trong những hình mẫu được nhiều tỉnh, thành Việt Nam hướng đến.

Theo Báo Đồng Nai

Share with friends